Thấy hoa nở ra màu tím không phải trắng ngọc, người đàn ông tố bị lừa gần 10 tỉ mua lan đột biến giả

Khi phát hiện nhiều cây lan bị sai nguồn gốc, anh Sự liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song không thể liên lạc được.

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Văn Sự (42 tuổi, trú xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, từ cuối tháng 10/2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn B.N (Chương Mỹ, Hà Nội), nhà vườn H.C (Ngọc Tảo, Hoài Đức), L.B.D (An Phước, Long Thành, Đồng Nai), T.V.T và T.V.Đ (Yên Thuỷ Hoà Bình)... Tuy nhiên, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, nhiều người mua lan bị lừa, nhà vườn thổi giá, nên anh kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc. Anh liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song không thể liên lạc được. "Số lan đột biến tôi mua từ các nhà vườn này lên tới hàng chục gốc, gốc rẻ cũng từ 70 triệu - 200 triệu, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đến cả tỉ đồng. Hiện tại, tôi bị lừa gần 10 tỉ đồng để mua hoa" - anh Sự nói. Sở dĩ anh Sự phát hiện ra hoa sai nguồn gốc là vì khi nở, hoa màu tím, không phải màu trắng ngọc như lan đột biến, trong khi đó, số tiền anh mua hoa chủ yếu vay ngân hàng và huy động vốn từ người dân. Trao đổi với Thanh Niên liên quan đến sự việc trên, thiếu tá Bùi Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình), cho biết đã tiếp nhận đơn tố giác và trình báo của ông Nguyễn Văn Sự. Trong đơn, ông Sự nêu từ tháng 10 - 12/2020, ông thực hiện giao dịch với ông T.V.T tổng cộng 15 kie lan đột biến các giống bạch tuyết, hồng á hậu, hồng yên thủy, hồng minh châu, với tổng số tiền 2,416 tỉ đồng. Các cuộc giao dịch được thực hiện tại một nhà vườn ở thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy. Theo thỏa thuận (có quay lại video) của hai bên, nếu sai mặt hoa thì ông Sự sẽ trả lại hoa đã mua và ông Tuyến sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, khi bị phát hiện số hoa không đúng chủng loại như thỏa thuận mua ban đầu, ông Tuyến lảng tránh và đã tắt máy điện thoại, cắt đứt liên lạc với ông Sự từ nhiều ngày nay. Ngoài giao dịch tại Hòa Bình, ông Sự đang là nạn nhân của một giao dịch thực hiện tại vườn lan Bích Du (Đồng Nai) với số tiền 3,169 tỉ đồng và một số giao dịch cá nhân khác tại Hà Nội, với số tiền đã chuyển mua cây lên tới 8,4 tỉ đồng. Đến nay, toàn bộ người bán giống cho ông Sự đều tắt máy, cắt đứt liên lạc.
Lan được xem là loại hoa vương giả, thanh tao và khá phổ biến ở Việt Nam với hàng nghìn chủng loại. Người dân từ nông thôn đến thành thị đều yêu mến loại hoa này và dễ dàng sở hữu, bởi chơi lan không cần nhiều diện tích, và giá một giò lan cũng rất "bình dân", thường chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Với nhiều tên gọi mĩ miều như Hồng mĩ nhân, Bạch tuyết cánh trắng, "người đẹp" Bình Dương, Á hậu, Tiên vũ, Quế lan hương... phong lan được giới mê cây cảnh ráo riết săn lùng, trong đó loài lan var (lan đột biến) đang khiến thị trường "lên cơn sốt". Trong "cơn sốt" ấy, không khó để bắt gặp những "tai nạn" trong những giao dịch của những người mới vào lan còn ít kinh nghiệm trên những diễn đàn về lan đột biến. Anh Nguyễn Tiến P, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương chia sẻ trên báo Vĩnh Phúc: "Thấy nhiều người chơi lan đột biến, tôi cũng mày mò tìm mua cây trên mạng từ người ở tỉnh Hòa Bình với giá hơn 20 triệu đồng. Chỉ hơn 1 tháng sau đó, có người đến nhà trả 40 triệu mua cây. Nhận thấy tiền lãi từ bán lan đột biến sang tay gấp mấy lần lương công nhân, nên sau đó tôi đã giao dịch lướt sóng thêm nhiều lần". Tổng số tiền bỏ ra cũng gần trăm triệu đồng. Vậy nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có một số khách hàng mang cây đến trả và đòi lại tiền vì theo họ đây là cây lan đột biến giả. "Không chỉ riêng mình tôi, một số người mới vào chơi như tôi đều rơi vào tình trạng mua bán phải cây giả. Người nhiều cũng mất hàng trăm triệu đồng, người ít thì vài chục triệu đồng. Chúng tôi cũng đến tận nhà vườn ở Phú Thọ để đòi lại tiền nhưng chủ vườn cho biết, tại đây không có ai tên như người đã giao dịch với chúng tôi, thỉnh thoảng có vài người ghé qua chụp ảnh, livestream, còn mục đích gì thì họ không biết".