Nếu Thủy Tiên không trả 30 triệu có phạm luật? Dư luận thắc mắc, luật sư giải đáp

Tối qua 3/6, Thủy Tiên đã chính thức lên tiếng về vụ tranh chấp kéo dài 6 tháng giữa cô và nữ khán giả T.H. Thủy Tiên tuyên bố sẽ không trả lại 30 triệu đồng chuyển khoản nhầm, bất chấp việc dân mạng đã tra ra sự trùng khớp giữa số tài khoản và số thẻ ATM của T.H.

Trong status đăng trên Facebook cá nhân có tích xanh (mà đến 1 giờ sáng ngày 4/6 đã bốc hơi), Thủy Tiên khẳng định: "Trường hợp giải quyết cho người chuyển nhầm đó là sai lầm của họ. Tiên chỉ giải quyết vì cái tâm và trong khả năng tài chính cho phép của mình, dù với bất cứ lý do nào tuyệt đối không phải là trách nhiệm hay sai lầm của Tiên".

Dân mạng thắc mắc, Thủy Tiên không trả 30 triệu có phạm luật không? Dưới đây là câu trả lời của luật sư.

Nếu bên chuyển chứng minh được mình nhầm, Thủy Tiên phải trả lại

Trả lời trên báo Thanh Niên, luật sư Hoài Nghĩa - Hãng luật Châu Đại Dương thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giao dịch do nhầm lẫn có thể đề nghị hủy bỏ và yêu cầu bên kia khôi phục các quyền lợi của mình, nghĩa là đôi bên hoàn trả nhau những gì đã nhận. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, đôi bên có thể kiện nhau ra tòa án để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Luật sư Nghĩa viện dẫn Điều 126 Bộ luật dân sự: Giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn bất kể lỗi của bên nào gây ra. Nếu bên nào có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Theo đó, khi có nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Luật sư Nghĩa nói thêm, nếu bên chuyển tiền chứng minh được đã chuyển tiền nhầm thông qua xác nhận giao dịch, sao kê chứng từ giao dịch từ ngân hàng hoặc biên nhận, giấy tờ giao dịch nếu trao tiền mặt thì Thủy Tiên có quyền đề nghị bên nhận (người dân vùng lũ) trả lại tiền cho quyên góp nhầm T.H. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Thực hiện được điều này trong thực tế rất khó".

Thủy Tiên công bố mình đã dùng hết tiền quyên góp để cứu trợ bà con miền Trung, nên cô không nhất thiết phải trả lại T.H 30 triệu.

T.H muốn đòi, có thể đòi thẳng người dân vùng lũ đã nhận cứu trợ

Cũng theo phỏng vấn trên Thanh Niên, luật sư Ngô Việt Bắc - Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) lại có quan điểm khác. Cũng lấy Điều 126 Bộ luật Dân sự để phân tích về trường hợp mâu thuẫn giữa Thủy Tiên và T.H. 

Luật sư Bắc nhận định, việc T.H chuyển tiền cho Thủy Tiên là giao dịch dân sự, bản chất ở đây là giao dịch đơn phương tồn tại trên quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản, tức việc chuyển tiền của T.H là hành vi tự nguyện của người này, không hề có bất kỳ sự thỏa thuận hay bàn bạc giữa đôi bên.

Điều này vốn không vi pham pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên theo khoản 2 Điều 3 và Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, giao dịch này được pháp luật bảo vệ.

"Thủy Tiên lại là người không hề hưởng lợi trong giao dịch này, mà người hưởng lợi lại là những bà con vùng lũ, người mà ca sĩ Thủy Tiên trao tiền và trao quà. Một vấn đề lớn đặt ra ở đây là tiền thuộc loại tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, những người được Thủy Tiên trao tiền và trao quà là người được hưởng lợi về tài sản một cách ngay tình. 

Vì thế T.H muốn đòi lại tiền thì có thể căn cứ vào Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, tức có thể đến trực tiếp kiện bất kỳ người nào (cá nhân, hoặc tổ chức) mà ca sĩ Thủy Tiên trao tiền và trao quà trong đợt lũ vừa qua để kiện họ và đòi lại số tiền mà mình cho rằng chuyển nhầm cho ca sĩ Thủy Tiên", luật sư Bắc phát biểu.

"Nếu xảy ra chuyển nhầm, ca sĩ Thủy Tiên trở thành người không có quyền định đoạt tài sản do nhận nhầm, cho nên T.H muốn kiện thì đi kiện những người được trao tiền hoặc nhận quà. Tuy nhiên nếu theo hướng này thì e rằng bế tắc. Còn nếu bây giờ T.H kiện ca sĩ Thủy Tiên thì ngoài vấn đề phải chứng minh được rằng mình chuyển nhầm, người này còn phải yêu cầu tòa án triệu tập những người được lợi thông qua hợp đồng không có đền bù như đã nói ở trên, để họ hoàn trả cho ca sĩ Thủy Tiên, từ đó ca sĩ Thủy Tiên mới có số tiền này để trả lại cho T.H", luật sư Bắc nói thêm.

Như vậy, theo các luật sư, có thể nói việc nữ ca sĩ tự tin nói rằng mình "giải quyết bằng cái tâm" và việc hoàn trả "không phải trách nhiệm" của cô là có cơ sở về pháp luật. Do bản thân cô không phải là người được thụ hưởng trực tiếp, nên nếu Thủy Tiên không trả lại T.H thì pháp luật cũng không có chế tài xử phạt hay cưỡng chế gì.

Theo thông tin mới nhất từ phía Thủy Tiên, nữ ca sĩ đã chính thức chuyển khoản trả lại 30 triệu cho cô gái Hồng Phước.

Nguyên văn nội dung chia sẻ:

"Về post ngày hôm qua, Tiên không hề xóa. Có thể Facebook hiểu nhầm trong post có thông tin cá nhân riêng tư gì đó nên đã bị gỡ. (ảnh đính kèm bên dưới)

Bên Tiên đã nhận được email phản hồi của bạn Hồng Phước cung cấp lại thông tin chính xác. Bạn Phước cũng không biết tại sao khi chuyển tiền thì trên sao kê chỉ hiện lên số thẻ, trong khi bạn lại cung cấp số tài khoản. Đó là lý do vì sao bên mình không tìm được giao dịch của bạn.

Tiên rất mong mọi người thông cảm cho sai sót này. Làm ca sĩ, chênh phô 1 nốt Tiên có thể nhận ra ngay, còn nhìn một dãy số để biết đây là số tài khoản ngân hàng hay số thẻ thì quá khó đối với Tiên. Từ sau lần này, Tiên đã có thêm kinh nghiệm trong việc đối chiếu các giao dịch với ngân hàng.

Tiên muốn gửi đến bạn Hồng Phước một lời xin lỗi chân thành vì đã hiểu nhầm bạn. Mong rằng bạn sẽ luôn giữ được tấm lòng hướng đến cộng đồng. Mình sẽ chuyển lại về cho bạn theo đúng như các thông tin đã nhận được.

Chúc mọi người buổi sáng vui vẻ"