Bé 6 tháng tuổi nguy kịch vì tay chân miệng: Bác sĩ liệt kê dấu hiệu nguy hiểm cha mẹ cần biết

Ban đầu, bé sốt và ói liên tục. Sau 4 ngày, bệnh đã trở nặng nhanh một cách choáng ngợp, mạch đập nhanh dồn dập trên 200 lần mỗi phút...

Bé 6 tháng tuổi nguy kịch vì tay chân miệng Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ – Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, hiện đang cao điểm của bệnh tay chân miệng, riêng tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện này đã có hơn 40 bệnh nhi bị tay chân miệng các cấp độ. Tại bệnh viện có trường hợp của bé gái T.V.M.N, 6 tháng tuổi, trú tại Đồng Tháp. Bé bị bệnh 4 ngày với biểu hiện sốt và ói liên tục. Bố mẹ bé cho con đi khám nhưng không ra bệnh. Sau đó, bố mẹ cho bé lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Lúc này, bệnh đã trở nặng nhanh một cách choáng ngợp, mạch đập nhanh dồn dập trên 200 lần mỗi phút, bé bứt rứt, lơ mơ, các bác sĩ phát hiện nốt hồng ban nhỏ đơn độc tại ngón chân trẻ. Lúc này, mẹ của bé cũng hốt hoảng nhớ lại bé bị giật mình khi ngủ và yếu hai chân, nhanh chóng nghĩ ngay đến bệnh tay chân miệng độ nặng nhất. Các bác sĩ khẩn trương đặt ống thở hỗ trợ thở máy, bé có dấu hiệu trào bọt hồng, huyết áp cao và phù phổi. Các bác sĩ chủ động xét nghiệm dịch phết họng và phết trực tràng của trẻ, kết quả cho thấy bé bị nhiễm virus EV71, một chủng dễ chuyển nặng và gây viêm não của bệnh tay chân miệng. BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, trưởng khoa Hồi Sức Tích Cực - Chống Độc, huy động ekip trực nhanh chóng sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm mạch, khẩn trương thiết lập đường truyền trung tâm, tiến hành lọc máu khẩn trong ngày, lọc bớt độc chất và giảm gánh cho quả tim cũng đang tổn thương dần vì đập quá nhanh.. Rất may sau khi áp dụng các biện pháp tích cực, chỉ sau hai ngày, bệnh nhi đáp ứng tốt, mạch giảm còn 140 lần mỗi phút, men tim hồi phục, tỉnh táo dần và được theo dõi sát tiến trình hồi phục những ngày sắp tới. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột gây ra và dễ gây thành dịch. Bệnh lây chủ yếu lây theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng. Trẻ bị tay chân miệng sẽ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Trẻ có thể giảm bệnh và hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày hoặc ngược lại là sẽ có biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn,…dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, càng nhỏ càng dễ bị nặng, đa số sẽ tự khỏi trong 7- 10 ngày. Các dấu hiệu của bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, nói đau miệng. Nếu trẻ sốt hơn 2 ngày, sốt từ 39 độ trở lên, uống thuốc khó hạ, nôn ói hay nhợn ói nhiều, giật mình chới với, tay quờ quạng là trẻ có biểu hiện bị nặng. Một số trẻ có biểu hiện đi lại không đi vững, tay chân yếu, người run, khi đó, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế ngay. BS Khanh cho biết có những trường hợp bị chân tay miệng nhưng không nổi vết ban loét ở vùng tay chân miệng. Do đó, nếu cha mẹ cứ chờ dấu hiệu này, trẻ có thể rơi vào trạng thái nguy hiểm. Hiện bệnh chưa có vắc xin để tiêm phòng nên các gia đình có trẻ nhỏ cần phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân, nước bọt khăn trải giường của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà, lau sàn bằng nước chứa xà phòng.